NGUYÊN TẮC AN TOÁN LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH CƠ KHÍ
I. Khái niệm
1. Khái niệm về gia công cơ khí
Gia công nguội kim loại thường gọi là gia công cơ khí. Trong gia công cơ khí các chi tiết được chế tạo bằng phương pháp cắt gọt bỏ lượng dư gia công để đạt đúng kích thước và độ bóng theo yêu cầu kỹ thuật.
Khi làm việc tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra nhiều hay ít tuỳ thuộc vào loại máy, thiết bị, tuỳ theo cách bố trí máy, cách bố trí chỗ làm việc, cách thông gió, chiếu sáng và tuỳ theo mức độ cơ khí hoá, tự động hoá.
Trong tài liệu này sẽ giới thiệu những yêu cầu chung về an toàn lao động trong ngành cơ khí và những yêu cầu, biện pháp kỹ thuật an toàn cụ thể đối với một số máy thiết bị điển hình, thông dụng trong ngành cơ khí của nước ta hiện nay.
2. Định nghĩa về những mối nguy hiểm trong cơ khí
Mối nguy hiểm trong cơ khí là nơi và nguồn phát sinh nguy hiểm do hình dạng, kích thước, chuyển động của các phương tiện làm việc, phương tiện trợ giúp, phương tiện vận chuyển cũng như các chi tiết gia công gây tổn thương cho người lao động trong quá trình lao động sản xuất như: kẹp, cắt, chặt, cán, kéo, xuyên thủng, va đập…
Mức độ tổn thương (hay tác hại) của mối nguy hiểm cơ khí tùy thuộc vào năng lượng của hệ thống tác động (như của máy của thiết bị…) và năng lượng tác động của con người (chuyển động của tay, của cơ thể) và cũng từ đó đánh giá tác động của mối nguy hiểm.
II. Tai nạn và các nguyên nhân thường xảy ra:
1. Tai nạn: Trong gia công cơ khí những tai nạn thường xảy ra có thể chia làm các loại như sau:
- Bị vấp ngã
- Sập đổ, va đập
- Bỏng phoi,
- Điện giật
- Đâm thủng,
- Quần áo, tóc bị cuốn vào máy
- Máy cán, kẹp, cắt,
- Phoi bắn vào mắt
2. Nguyên nhân: Các nguyên nhân gây ra tai nạn:
- Thiết bị che chắn không đảm bảo an toàn
- Thiếu thiết bị bảo hiểm hoặc thiết bị bảo hiểm bị hỏng hay không hoạt động chính xác
- Bộ phận điều khiển máy bị hỏng
- Vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình sử dụng máy an toàn
- Vi phạm nội quy an toàn của xưởng
- Điều kiện vệ sinh kém như: thiếu ánh sáng, thông gió không tốt, ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép
- Mặt bằng nhà xưởng lộn xộn, giao thông trong xưởng không thuận lợi
- Sắp xếp nguyên vật liệu, thành phẩm / bán thành phẩm thiếu gọn gàng, ngăn nắp
III. Nguyên tắc để đảm bảo ATLĐ cho người sử dụng, vận hành, sửa chữa trong cơ khí.
1. Nguyên tắc chung
Phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về an toàn và vệ sinh lao động quy định hiện hành từ khâu thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sử dụng và quản lý máy, thiết bị theo các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cụ thể và các yêu cầu trong hồ sơ máy của nhà chế tạo;
Xác định cụ thể vùng nguy hiểm và các nguy cơ gây ra tai nạn lao động trong quá trình sử dụng máy móc thiết bị;
Thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn thích hợp;
Tổ chức mặt bằng nhà xưởng phải phù hợp với điều kiện an toàn:
- Chọn vị trí và địa điểm phù hợp
- Bố trí hợp lý nhà xưởng, kho tàng và đường vận chuyển đảm bảo hợp lý và thuận tiện;
- Lắp đặt thiết bị trong xưởng đảm bảo các điều kiện an toàn;
2. Nguyên tắc an toàn khi sử dụng đối với máy, thiết bị
- Ngoài người phụ trách ra không ai được khởi động điều khiển máy;
- Trước khi khởi động máy phải kiểm tra thiết bị an toàn và vị trí đứng;
- Trước khi đi làm việc khác phải tắt máy, không để máy hoạt động khi không có người điều khiển;
- Cần tắt công tắc nguồn khi bị mất điện;
- Khi muốn điều chỉnh máy, phải tắt động cơ và chờ cho khi máy dừng hẳn, không dùng tay hoặc gậy để làm dừng máy;
- Khi vận hành máy phải mặc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp (không mặc quần áo dài quá, không cuốn khăn quàng cổ, đi găng tay v.v…);
- Kiểm tra máy thường xuyên và kiểm tra trước khi vận hành;
- Trên máy hỏng cần treo biển ghi "Máy hỏng".
3. Các lưu ý cần làm cho máy an toàn hơn, năng suất hơn
- Chọn mua máy móc mà mọi thao tác vận hành đều thật an toàn;
- Các bộ phận chuyển động được bao che đầy đủ;
- Có thiết bị tự động dừng hoặc điều khiển bằng 2 tay ở tầm điều khiển;
- Sử dụng các thiết bị nạp và xuất nguyên liệu an toàn để tăng năng suất và giảm những nguy hiểm do máy gây ra;
- Che chắn đầy đủ những bộ phận, vùng nguy hiểm của máy. Bộ phận che chắn cần phải:
+ Cố định chắc vào máy;
+ Che chắn được phần chuyển động của máy;
+ Không cản trở hoạt động của máy và tầm nhìn của công nhân;
+ Có thể tháo gỡ khi cần bảo dưỡng máy;
+ Bảo dưỡng máy đúng cách và thường xuyên;
+ Sử dụng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp;
+ Hệ thống biển báo chỗ nguy hiểm, vùng nguy hiểm đẩy đủ;
+ Đảm bảo hệ thống điện an toàn;
+ Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, bản thân người lao động cần nắm rõ kiến thức và có ý thức an toàn lao động cho bản thân và tập thể.
VINTECH LÀ SỰ LỰA CHỌN TỐT NHẤT!